Chọn đất tốt để đặt huyệt mộ là việc thiên kinh địa nghĩa từ ngàn đời đến nay. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện tìm được cuộc đất tốt, hoặc có tìm được mà vô duyên thì cũng đành nhường người có duyên.
Cuộc đất thế nào mới là tốt? Câu hỏi đã tốn rất nhiều giấy mực, có lẽ sẽ còn tốn thêm nhiều nữa. Giới hạn trong bài viết này tôi chỉ có thể tổng hợp những lưu ý khi chọn đất đặt huyệt mộ thường gặp để quý vị cùng tham bác. Nếu có cơ hội tìm được cuộc đất tốt hoặc giả nhờ thầy tìm giúp thì cũng biết được đôi điều mà xem xét.
1. Lưu ý về Hình và Thế đất đặt huyệt mộ
Cái gọi là “Hình” trong phong thủy chính là hình dạng của đất kết huyệt. Hình là điều kiện quan trọng nhất để tụ khí. Khí vận hành (di chuyển) theo thế núi, thế đất vì vậy bị ngưng tụ lại. Nơi ngưng tụ được linh khí như thế gọi là chân huyệt.
Cuốn Táng Kinh viết: “Hình ngăn khí tụ, hóa sinh vạn vật là đất thượng đẳng”. Nếu không có hình tốt tức thế đất không ngăn được khí. Khí không tụ lại được thì an táng vô nghĩa. Hình có to nhỏ, cao thấp, sấp ngửa, béo gầy, cân lệch.
Các nhà phong thủy chia hình thế đất thành 6 kiểu: tròn, bẹt, thẳng, cong, vuông, lõm.
Yêu cầu hình thế đất:
- Thứ nhất là phải ngăn được khí (khí tụ);
- Thứ 2 là phải tàng (giấu), đất lộ, khí tán theo gió;
- Thứ 3 phải vuông cân, nếu đất nghiêng lệch khí uế sẽ phát sinh;
- Thứ 4 là thế đất phải có hình vòng cung, khí tụ và lưu thông trong huyệt, đất ẩm.
Thế đất cát thì huyệt sẽ cát; huyệt cát thì nhân sẽ cát. Thông thường, an táng ở trên thế đất phình, cheo leo, lộ lồi, nham nhở, tản mạn, tàn tạ đều mang lại hung họa khôn lường cho đời sau.
Táng Kinh viết rất cụ thể như sau:
– Thế đất có bình phong (đằng sau huyệt mộ có đất hoặc núi cao như bức bình phong để dựa, được che chắn) chôn đúng phép, vương hầu nổi lên.
– Thế đất như tổ yến (tròn, vuông, cân đối) chôn đúng cách, được chia đất phong.
– Thế đất như rìu kép (tròn, vuông, cân đối, phẳng phiu) mộ huyệt có thể giàu có.
– Thế đất lởm chởm (đất không có hình thế), bách sự hỗn loạn.
– Thế đất như loạn y (quần áo bừa bãi), thê thiếp dâm loạn.
– Thế đất như túi rách (chỉ đất, cát, sỏi, phù sa bồi), tai họa liên miên.
– Thế đất như thuyền lật, nữ bệnh nam tù.
– Thế đất ngang lệch (thế đất xiên xẹo, không ra hình thế), con cháu tuyệt tự.
– Thế đất như kiếm nằm (thế đất dài như thanh kiếm), chu di bức hại.
– Thế đất như đao ngửa (thế đất dài như thanh đao), hung họa suốt đời.
Như vậy, sách xưa khẳng định: “Hình thế rõ ràng thì tìm huyệt dễ, không rõ ràng thì tìm huyệt khó khăn”; “Thế đến, hình ngăn gọi là toàn khí. Đất toàn khí khi an táng thì tụ được khí”.
Không những thế, khi chọn đất táng, vai trò của hình và thế cần được coi trọng như nhau. Vì: “Hình và thế thuận là cát, hình và thế nghịch là hung. Thế cát hình hung thì bách phúc không còn, thế hung hình cát thì họa hại vô cùng”.
2. Lưu ý về Phong (gió) nơi đất đặt huyệt mộ
Theo khái niệm âm dương, thì gió (phong) bao gồm 2 loại: gió từ đỉnh núi thổi xuống gọi là gió dương, gió từ khe núi thổi lên gọi là gió âm.
Ở vùng đồng bằng thì huyệt không sợ gió. Các loại gió thổi từ Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc là gió ấm, gọi là gió dương thì không cần đề phòng. Các loại gió hướng Tây, hướng Bắc gọi là gió âm thường lạnh, vì vậy huyệt nên có Án Sơn – núi che phía trước, nếu không xương cốt trong mộ sẽ bị lạnh, gia chủ sẽ khuynh gia bại sản.
Theo sách Địa lý giảm giả lục: “Gió âm sẽ làm tản sinh khí. Vì vậy, nếu gió này thổi trực xạ (thổi thẳng) vào mộ là hung (xấu). Ở đồng bằng và vùng sông, biển mênh mông, an táng mộ không cần núi gò cao che chắn gió dương, vì gió này không kỵ, không có sát khí.”
Long khí không thông gió sẽ vượng, dương trạch (nhà ở) nên đóng cửa sổ vì nếu gió dữ thổi, cửa không đóng, khí lạnh tràn vào nhà sẽ hung. Nếu triều án sơn lõm khuyết bị gió thổi gọi là trực xạ.
Theo sách Địa lý hướng chân quyết, có 6 loại địa hình xấu vì không che được 6 loại gió hung dữ (lục phong)
- Tiền phong: Minh đường (khoảng đất trước huyệt mộ) bị nghiêng lệch, Án Sơn (ngọn núi che chắn trước mộ) lõm khuyết, bị gió âm (gió Tây Bắc) trực xạ, không thể tụ khí chủ về sự bần hàn, con cháu phải chịu cuộc sống long đong, xa quê.
- Hậu phong: Không có Phụ Mẫu Sơn (núi che chắn phía sau mộ), gió thổi lưng huyệt thì chủ về sự khốn cùng, đoản mệnh…
- Tả phong: Gò Thanh Long thấp bé, không cản nổi gió tả phong thì gia chủ vong, nữ chủ nhân quả phụ.
- Hữu phong: Gò Bạch Hổ thấp bé, không cản nổi gió hữu phong thì nữ gia chủ vong, dễ tuyệt tự.
- Lưỡng mày phong: Gió thổi vào chỗ giao nhau dưới Chủ Sơn và gò Thanh Long hoặc gò Bạch Hổ bị lõm khuyết thì gia chủ vong, tự tuyệt.
- Đuôi Long Hổ phong: Đuôi Long Hổ thấp, gió thổi qua chỗ đó gọi là đuôi Long Hổ phong, là đại hung. Chủ nhân dễ bị khuynh gia bại sản. Nếu gió từ hướng (Cấn) Đông Bắc thì rất dữ.Tuy nhiên, nếu huyệt mộ được Sa và Thủy bao bọc tầng tầng, lớp lớp thì sẽ không lo loại gió hung nói trên.
3. Nguyên tắc chọn đất đặt huyệt mộ
- Khí mạch là giềng mối của phú quý bần tiện
- Minh đường là giềng mối của đẹp xấu sa thủy
- Thủy khẩu là giềng mối của sinh vượng tử tuyệt.
- Long cần phải là chân long
- Huyệt cần phải là huyệt bằng phẳng
- Sa cần tú (đep)
- Thủy cần phải có sự bao bọc
- Hướng cần là cát hướng.
Thủy là nguồn gốc tiền tài, là ngoại khí của sinh khí. Nếu chảy quanh huyệt mộ là sinh thủy thì sẽ vượng. Nếu thủy đi không về thì tiền của tiêu tán, là đất không vong, còn gọi là tử địa hoặc tuyệt địa. Vì thế cửa sông (thủy khẩu) là yếu tố quan trọng nhất của sinh vượng tử tuyệt.
Trong long, huyệt, sa, thủy, hướng thì:
– Long mạch (khí mạch) xa, lớn, mạch dài, uốn lượn có thể nghênh đón là cát mạch
– Huyệt bằng phẳng gọi là long thể ngăn khí, huyệt cát
– Sa cần tú lệ – đẹp đẽ
– Thủy chảy bao bọc bảo vệ huyệt là cát thủy. Nước chảy xung quanh huyệt là hữu tình.
– Hướng huyệt, tránh hướng Ngũ Quỷ, Tuyệt Mệnh, Họa Hại, Lục Sát; nên chọn hướng Sinh Khí, Thiên Y, Diên Niên, Phục Vị (Phúc Đức). Cách tìm hướng này có thể dựa theo công thức tính Quái số.
4. Thế đất không thể táng
Quách Phác trong sách Táng Thư viết: “Ngũ hại bất thân” ý chỉ 5 loại núi không nên an táng gồm: đồng sơn, đoạn sơn, thạch sơn, độc sơn, quá sơn.
1. Đồng sơn: Màu đất khô cháy, cây cỏ không mọc được, núi trọc. Núi như vậy thì đất khô, mạch kiệt, không thể sinh khí, vì vậy không nên chôn cất.
2. Đoạn sơn: Chỉ thế núi gãy ngang, sinh khí đi theo mạch đất; thế mạch gãy, sinh khí đứt đoạn, vì vậy không nên chôn cất.
3. Thạch sơn (núi đá): Ý nói đất kết huyệt không thể là vách núi cheo leo, hoặc núi đá nhô nổi. Đây là nơi oán khí trong núi đá sinh ra, đất nhiều sát khí vì vậy không nên an táng. Tuy nhiên, nếu chất đá mềm, vân đá ấm mượt, màu sắc tươi lại là cát địa.
4. Quá sơn: Thế núi không dừng, giống như lao đi, khí cũng giống như là khách ra đi do vậy mà sinh khí không còn. Những nơi như thế không nên an táng.
5. Độc sơn: Mạch long cô độc, núi không có thế bao bọc huyệt mộ, các dòng nước không tụ, không có núi Thiếu Tổ, núi Thái Tổ, núi Phụ Mẫu. Nơi như thế thì chỉ nên xây đền chùa, miếu mạo và không nên an táng.
5. Những điều kiện về cuộc đất tốt hợp phong thủy
1. Long phải sinh vượng nghĩa là long mạch phải dài, khí đến thì huyệt kết.
2. Long mạch phải nhấp nhô nghĩa là khí đi theo triền núi ở trong đất đến huyệt mộ, nếu không lên xuống sẽ bị đứt mạch khí và không đến được huyệt mộ.
3. Mạch phải nhỏ vì mạch lớn khí sẽ bị tản.
4. Huyệt phải tàng thì mới giữ được khí mạch, tàng phong.
5. Lai long phải gặp huyệt cát có nghĩa là long mạch phải gặp huyệt tàng phong đắc thủy thì huyệt mới kết phát.
6. Đường phải rộng, sáng, phẳng có nghĩa là minh đường phải rộng, sáng, phẳng thì mới giữ được khí, gió, thủy.
7. Sa phải sáng có nghĩa là gò Thanh Long, gò Bạch Hổ phải rõ ràng, sáng sủa.
8. Thủy phải đọng nghĩa là nước phải ngưng đọng, bao bọc huyệt mộ.
9. Sơn phải bao nghĩa là núi bao quanh huyệt mộ. Câu này có ý chỉ triều mộ và gò hướng mộ.
10. Thủy phải ôm là dòng nước chảy phải ôm huyệt mộ.
11. Long phải miên là gò Thanh Long “ngủ”, ý nói gò Thanh Long phải nhu thuận.
12. Hổ phải thấp có nghĩa là gò Bạch Hổ không được cao hơn gò huyệt.
13. Án phải gần có nghĩa Án Sơn phải ở gần huyệt mộ.
14. Thủy phải tĩnh tức là dòng nước phải trong, tĩnh lặng, không được chảy ồ ạt.
15. Tiền có quan ý chỉ trước mộ phải có tinh quan (gò nhỏ).
16. Phòng có thần là chỉ sau mộ phải có quỷ tinh (gò nhỏ).
17. Hậu có chẩm lạc nghĩa là sau mộ phải có gò nhỏ như chiếc gối.
18. Hai bên có giáp chiếu nghĩa là 2 bên mộ phải có gò nhỏ như 2 tai mộ để bảo vệ mộ.
19. Thủy phải giao là chỉ các dòng nước phải giao nhau và bao bọc lấy huyệt mộ.
20. Thủy Khẩu phải có gò che chắn là nói cửa sông phải như cái hom, nước vào không bị tản đi.
21. Huyệt phải tàng phong là chỉ huyệt phải được núi, gò bao bọc và có gió tụ ở bên trên huyệt.
22. Huyệt phải tụ khí là nói huyệt phải có núi, sông, gò bao bọc và có khí tụ.
23. Bát quốc không được khuyết có nghĩa là 8 hướng đều có núi và gò che chắn.
24. La Thành không được tản là chỉ các núi bao bọc như la thành không được tản mát.
25. Núi không được lõm chỉ các núi có long mạch và không được lõm, trũng.
26. Thủy không được phản cung ý chỉ dòng nước không được quay lưng vào huyệt mộ mà phải chảy bao quanh mộ.
27. Đường phải vuông vắn là chỉ minh đường phải vuông vắn, rộng lớn.
28. Núi phải cao là chỉ các núi như Thái Tổ Sơn, Thiếu Tổ Sơn, Phụ Mẫu Sơn, gò mộ, Án Sơn, Triều Sơn, gò Thanh Long, gò Bạch Hổ phải cao.
Tổ Sơn đắc thế, con cháu vinh hoa
Tổ Sơn còn gọi là Tổ Tông Sơn – núi Tổ, bao gồm Thái Tổ Sơn, Thái Tông Sơn, Thiếu Tông Sơn, hàm chỉ núi nơi phát nguồn của long mạch.
Thái Tổ Sơn là ngọn núi cao nhất của các mạch núi, là chúa của các núi trong vùng.
Thiếu Tổ Sơn là ngọn núi lớn sau Thái Tổ Sơn. Ngoài ra, nó có thể là 1 núi tổ tiếp theo Thái Tổ Sơn.
Trong phong thủy học, việc tìm long mạch và thế đất (tầm long vọng thế) trước tiên phải quan sát Tổ Sơn, bao gồm các núi nói trên. Trong tổ hợp núi đó, Thái Tổ Sơn được xem là quan trọng nhất vì mộ kết hay không là do long mạch sinh khí bắt nguồn từ núi này.
Hình thế Thái Tổ Sơn hùng vĩ, nhìn xa như cung điện nguy nga, tráng lệ, xung quanh có nhiều núi bao bọc, chủ long mạch vô cùng vinh hoa phú quý, kết huyệt thâm hậu.
Thiếu Tổ Sơn là quả núi quan trọng bổ sung khí cho long mạch. Nếu thế của Thiếu Tổ Sơn cong, lệch, vẹo, nghiêng, cô lộ, gầy phá, thô, ác thì không tốt. Đây là dấu hiệu khí không tụ, huyệt không kết.
Lưu Cơ trong sách Kham Dư mạn hứng nói: “Núi ở giữa huyệt mộ và Thái Tổ Sơn là Thiếu Tổ Sơn, cát hung của núi này liên quan đến việc ngưng tụ khí ở huyệt mộ. Núi đẹp, có thế hùng vĩ là cát; thấp nhỏ, cô lẻ là hung”.
Phụ Mẫu Sơn ở gần huyệt mộ, là cầu nối giữa núi tổ và huyệt mộ. Phụ Mẫu Sơn tuy to lớn nhưng không được cao hơn Thiếu Tổ Sơn. Nếu cao hơn thì long mạch gọi là thoái long, cho dù mộ kết nhưng cũng không được lâu dài, con cháu nghèo khổ.
(còn nữa)
Qua bài viết: Những lưu ý khi chọn đất đặt huyệt mộ nếu vẫn còn thắc mắc hoặc cần tư vấn, hỗ trợ. Quý khách vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây:
Thiết kế một cuộc sống đẳng cấp hơn
Zalo: 0976 067 303
Email: thicongxaydung24h@gmail.com
Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết! Vui lòng chia sẻ bài viết nếu bạn thấy thông tin ở trên sẽ hữu ích với nhiều người.
Chúc bạn buổi sáng tốt lành!