1. Nghiệp quật là gì, nghiệp báo là gì
Nghiệp quật là gì
Để hiểu về Nghiệp quật là gì thì trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu: Nghiệp là gì? và Quật là gì nhé.
- Nghiệp nghĩa là hành động hay công việc, Theo thuyết của Phật giáo thì Nghiệp là nguyên nhân đưa tới Quả báo, cả hai tạo thành Luật Nhân-Quả tuần hoàn không dứt suốt cõi Luân hồi.
- Quật là chỉ sự phản hồi lại, quật lại, đánh ngược lại.
Ta có thể hiểu Nghiệp quật là ý nói rằng: Con người ta sẽ nhận Hậu quả (xấu) Trong tương lai do việc làm (xấu), hành động (xấu) của họ ngày hôm nay.
Nghiệp báo là gì
Ta có thể hiểu Nghiệp báo là ý nói rằng: Con người ta sẽ nhận Kết quả (tốt) Trong tương lai do việc làm (tốt), hành động (tốt) của họ ngày hôm nay.
Xem thêm: Nghiệp là gì? 10 việc không nên làm để tránh tạo nghiệp
2. Nguồn gốc của nghiệp
Mỗi chúng ta đều có phải làm chủ lấy mình. Khi ta quyết định tạo nghiệp thiện hay ác, nghiệp đã tạo rồi thì không còn quyền định đoạt số phận của mình được nữa, mà nghiệp quả sẽ đến trong tương lai tốt hay xấu là do tạo nghiệp thiện hay ác. Ngoại trừ ta tạo một nghiệp khác mạnh mẽ trái ngược lại mới có thế sửa đổi được nghiệp đã gieo ấy.
Nguồn gốc của Nghiệp là ở luật nhân quả. Nghiệp như con đường mà ta phải đi từ Nhân đến quả.
Xem thêm: Luật nhân quả là gì? Luận bàn Luật nhân quả và vận mệnh
Một trong muôn nghìn nguồn gốc của tạo nghiệp là Khẩu nghiệp.
- Khẩu nghiệp dạy bảo người làm điều tốt
- Nhưng Khẩu nghiệp cũng hướng dẫn người làm ác, cổ súy việc làm ác mà nhiều khi khó đo lường được hậu quả của nó.
Nghiệp báo nhân quả thuộc về tâm thức, nó vô hình không thấy được, nhưng nó điều khiển cả vật chất lẫn tinh thần; nghiệp quả trong phạm vi vật chất như giàu nghèo, thọ yểu v.v…; trong phạm vi tinh thần như vui sướng, buồn khổ, v.v…
Một nghiệp tốt mang lại kết quả tốt, có thể ở kiếp hiện tại hay ở kiếp tương lai, cũng vậy, một nghiệp xấu mang lại kết quả xấu, ở ngay kiếp này hay ở kiếp mai sau; muốn thoát khỏi nghiệp báo luân hồi, phải thoát khỏi nghiệp báo nhân quả.
Muốn thoát khỏi nghiệp quả, phải từ bỏ nghiệp xấu, muốn từ bỏ nghiệp xấu phải trừ hết ái dục, ái dục là vi tế ngủ ngầm của tham sân si, tức là sạch hết “Vô minh”, sạch hết vô minh tức được giải thoát.
3. Các loại nghiệp báo theo thuyết của Phật giáo
3.1 Nghiệp thiện tạo quả lành
- Làm từ thiện, có lòng quảng đại giúp đỡ người về mọi phương diện.
- Trì giới, tránh làm ba điều ác về thân, bốn điều ác về miệng, và ba điều ác về ý.
- Phục vụ tôn kính người đáng được phục vụ, đáng được tôn kính.
- Vui vẻ hoan hỷ vui mừng khi thấy người khác được phúc báo tốt đẹp.
- Học hỏi các điều hay lẽ phải trong Phật pháp, tu hành và giáo hóa chúng sinh.
- Giữ gìn vẹn toàn chính kiến không để quên và không để ái dục vô minh lung lạc.
- Nhớ nghĩ đến chúng sanh và hồi hướng phúc đức cho tất cả chúng sinh.
3.2 Hành động ác gây nghiệp dữ:
- Nghiệp báo sát sinh: người bị hại tùy theo là bậc chân tu hay người thường, hoặc tùy theo sinh vật lớn hay nhỏ mà bị quả báo nặng hay nhẹ khác nhau.
- Sau khi chết bị đày vào Địa ngục, Súc sinh
- Làm người bị chết yểu, bệnh tật, hoạn nạn, chia ly, lo sợ, buồn rầu v.v…
- Nghiệp báo trộm cướp: Tùy theo nặng nhẹ bị quả báo tương ứng:
- Khi chết sinh vào cõi dữ trong lục đạo luân hồi.
- Nếu được tái sinh làm người phải làm việc khó nhọc, nghèo hèn, thất vọng, mất mát của cải, hạnh phúc gia đình bị tan vỡ, nghi kị bất hòa, cãi nhau, đánh nhau, không sao ngóc đầu lên được.
- Nghiệp báo tà dâm: Hãm hiếp, dùng thủ đoạn lường gạt ái tình, trộm cướp hạnh phúc của người, gian dâm.
- Nếu được tái sinh làm người thì có vợ (chồng) không chung thủy,
- Gia đình không hạnh phúc, có nhiều kẻ thù v.v…
- Nghiệp báo lừa gạt: Nói dối, lừa gạt, nói hai lời, nói thêu dệt, nói ác, có nói không, không nói có,. Cùng một việc nói với người này thế này, nói với người kia thế khác; nói thêm bớt không đúng sự thật, nói bóng nói gió đâm thọc; chửi bới tục tằn, nguyền rủa thậm tệ.
- Nếu được tái sinh làm người hay bị vu oan, nói không ai tín nhiệm, tin cẩn.
- Hay bị bệnh ở miệng, miệng hôi. Thân quyến xích mích, bạn bè xa lánh.
- Có nhiều người chống đối. Lại phải nghe những lời tục tằn thô lỗ độc ác v.v…
- Nghiệp báo uống rượu: Kiếp trước uống rượu say có thể gây cả bốn nghiệp trên, hiện đời dễ mắc bệnh, chết sớm, gia đình mất hạnh phúc đi đến nghèo, con cái yếu đuối kém thông minh, kiếp sau làm người ngu dốt, mất trí, điên dại.
- Nghiệp báo Tham lam đố kị: Tham lam đủ thứ, thèm muốn lợi danh của người khác, luôn luôn chấp lòng ganh tị với kẻ khác. Nếu sinh làm người, sẽ là người không có ảnh hưởng, nói gì, làm gì cũng không có người theo, và ái dục tăng trưởng mạnh làm cho người ấy càng đi sâu vào tội lỗi, gây thêm nghiệp ác.
- Nghiệp báo sân hận: Thô lỗ, cục cằn, luôn giận dữ, nhăn nhó, khó chịu. Người có tính sân giận hay gây gỗ, tìm đủ cách để bắt bẻ người, gây thù kết oán
- Thường sau khi chết làm loài qủy dữ,
- Nếu được tái sinh làm người có thân hình xấu xí, mặt mũi khó coi, tính nết không ai ưa, và tính sân hận càng tăng trưởng gây thêm nghiệp xấu.
- Nghiệp báo ngu si tà kiến: Người không chịu học hỏi tìm hiểu nghiên cứu, không chịu gần người có tài có đức để học hỏi các điều phải trái lành ác; vì vậy hiểu biết sai lầm, những điều sai cho là đúng, những điều đúng cho là sai; như không tin nhân quả nghiệp báo, không tin nghiệp báo luân hồi sinh tử. Sau khi chết đọa vào cõi dữ, nếu được làm người sẽ là người tâm thần mê mẩn, ngu ngu khờ khờ, hoặc bệnh hoạn liên miên.
- Nghiệp báo Kiêu ngạo ngã mạn: Không tôn trọng người đáng tôn kính, tự tôn tự đại, khinh người, coi trời bằng vung, coi mọi người như cỏ rác, và không biết phục thiện; khi chết đọa vào ác đạo, khi được trở lại cõi người nghèo nàn khốn khổ, bị người khinh rẻ, không dám ngẩng đầu lên.
- Nghiệp báo Keo kiết bủn xỉn: Dù giàu dù nghèo mà suốt đời keo kiết từng đồng, không cho dù với chút ít, từ phẩm vật, của cải, tiền bạc, đến lời chỉ bảo lợi ích. Người ấy: sống keo kiết ích kỷ, và không có lòng thương người nghèo nàn khốn khổ; người ấy sau khi chết sinh vào cõi dữ, tái sinh vào nhân gian làm người nghèo hèn không của cải.
4. Báo ứng của nghiệp
Tác động của nghiệp báo. Căn cứ trên tác động của nghiệp quả, chia ra bốn loại:
4.1 Nghiệp hiện hành tái tạo:
Nghiệp có năng lực mạnh vào lúc chết, liền sau khi chết phải thụ sinh vào cõi Lành hay cõi Dữ tùy theo nghiệp. Thường tư tưởng cuối cùng của một người bị ảnh hưởng bởi phẩm hạnh của người ấy trong suốt cuộc đời, nhưng cũng có khi hoàn cảnh ngoại lai ảnh hưởng đến người ấy lúc lâm chung, làm cho tư tưởng người ấy biến đổi.
- Tư tưởng cuối cùng ấy tạo điều kiện cho sự tái sinh kế tiếp, trong trường hợp này, đời sống hàng ngày không ảnh hưởng đến sự tái sinh, nhưng nó vẫn không mất, và sẽ xuất hiện vào lúc khác;
- Những sự thay đổi này đã giải thích vì sao trong một gia đình, các người con tính nết không giống nhau.
4.2 Nghiệp trợ duyên:
Nghiệp hiện hành tái tạo khi có nghiệp quá khứ chen vào để trợ lực hay duy trì gọi là nghiệp trợ duyên.
4.3 Nghiệp phản duyên:
Nghiệp hiện hành tái tạo khi có nghiệp quá khứ chen vào để làm suy giảm hay cản trở, gọi là nghiệp phản duyên.
4.4 Nghiệp tiêu diệt:
Khi nghiệp hiện hành tái tạo bị nghiệp quá khứ mạnh và ngược chiều, có thể tiêu diệt hoàn toàn nghiệp hiện hành đáng lẽ trổ quả, nên còn được gọi là nghiệp vô hiệu lực.
4.5 Thời gian báo ứng:
Thời gian nhân trổ qủa có ba loại:
4.5.1 Hiện nghiệp:
Nghiệp hiện tại lại chia ra hai loại:
- Quả Lành trổ trong kiếp hiện tại: Có những quả lành trổ ngay trong kiếp hiện tại, ví như học sinh chăm học, đi thi đậu vậy.
- Quả Dữ trổ trong kiếp hiện tại: Có những quả dữ trổ ngay trong kiếp hiện tại, ví như làm ác giết người, trộm cắp, bị bắt bỏ tù giam giữ.
4.5.2 Hậu nghiệp:
Những nghiệp trổ trong các kiếp về sau. Hậu nghiệp này ai ai cũng có, và chúng ta không thể biết được nhiều nghiệp hay ít nghiệp, nghiệp nặng hay nhẹ; chỉ có Phật và các vị đắc đạo có “Sinh tử thông” mới thấy được nghiệp báo nhân quả.
4.5.2 Nghiệp vô hạn định:
Quả trổ sinh bất cứ lúc nào từ hiện tại cho đến mãi về sau, ngoại trừ khi giải thoát nhập Niết Bàn mới hết.
Cũng vậy, sự tu hành và phước báo cũng phải được huân tập, tích góp từ lâu xa mà ngày nay mới được thọ hưởng, chẳng phải vô duyên vô cớ và cũng chẳng thể chỉ mới làm mà liền được.
Có những người từ nhiều đời về trước đã từng tu tập hạnh bố thí, cúng dường,… do đó khi sinh ra trong đời này, tuy không có tu tập và cũng không có làm một việc thiện lành, nhưng họ vẫn được hưởng sung sướng an nhàn từ những phước báo đã tích lũy trong đời trước.
Tuy nhiên, dù có phước báo nhiều như cát bụi, nhưng “nhàn rỗi ngồi không ăn mãi thì núi cũng phải lở”, tiêu xài đến một ngày nào đó cũng hết phước và khi đó phải chịu cảnh khổ sở.
Chính vì điều này, mọi người nên biết tiếc phước, không nên hưởng hết thành quả đã tạo, vì hưởng hết ắt sẽ bần cùng. Quá khứ tạo nhân, hiện tại gặt quả. Hiện tại gây nhân, tương lai hưởng quả tốt.
Muốn biết nhân quá khứ,
Hãy nhìn quả hiện tại.
Nhân gieo trong hiện tại,
Chính là quả tương lai.
Nếu hiểu nhân quả thông suốt cả ba đời, thì chúng ta sẽ không còn oán trời trách đất hay hận đời theo sự hiểu biết cạn cợt, ngắn ngủi ở trước mắt để sinh ra nhiều bất mãn, chán nản. Người hiểu đạo thì phải có được cái nhìn thấu suốt trước và sau như vậy.
Hơn nữa, nhân quả tuy có xa gần sai biệt khác nhau, nhưng những gì đã gây tạo thì dù trải qua muôn đời vạn kiếp vẫn không mất.
Có khi gieo nhân đời này, nhưng đến đời sau hoặc nhiều đời về sau nữa mới nhận lãnh quả báo.
Có khi gây nhân đời này, nhưng hưởng quả ở ngay trong đời này, thậm chí là chỉ trong khoảnh khắc.
Ví dụ, vì một lý do nào đó, chúng ta la mắng một người khác thì lập tức họ cự cãi trở lại, thậm chí là dùng đến chân tay. Đó là nhân quả hiện đời.